Chị em sau khi sinh mổ cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để giúp thể trạng phục hồi nhanh chóng, nhanh liền sẹo và tăng cường lượng sữa cho bé. Vậy nhóm phụ nữ sau sinh nên ăn gì là vấn đề được nhiều quan tâm. Trong bài viết dưới đây chúng ta cùng khám phá những nhóm thực phẩm cần thiết cho phụ nữ sau sinh nhé!

Nhóm thực phẩm nên bổ sung

Sắt

Sắt là thành phần quan trọng tham gia cấu tạo nên hồng cầu. Sau sinh mổ, các sản phụ thường có tình trạng mất máu. Việc bổ sung sắt đầy đủ để cơ thể tái tạo lại hồng cầu là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, sắt còn là yếu tố tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể.

Nhưng các bạn cũng nên lưu ý sử dụng hàm lượng sắt vừa đủ vì khi thừa có thể gây táo bón. Hàm lượng sắt được khuyên dùng là 10mg/ ngày cho phụ nữ từ 14 đến 18 tuổi và 9mg/ ngày cho những người ngoài 19 tuổi. Thực phẩm giàu sắt phổ biến như lòng đỏ trứng, thịt đỏ, hàu, quả sung, gan bò và trái cây khô.

Protein

Protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ bắp, nâng cao thể trạng, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển của các tế bào mô mới. Sản phụ sau khi phẫu thuật cần tăng cường bổ sung Protein để sớm liền sẹo và phục hồi sức khỏe. Vì thế việc ăn các thực phẩm chứa nhiều Protein là điều hết sức quan trọng. Các thực phẩm giàu Protein phải kể đến như trứng, thịt gà, cá, thịt, đậu Hà Lan, thực phẩm từ sữa, các loại hạt,…

Vitamin C

Thực phẩm giàu vitamin C như các loại trái cây, rau củ, dưa hấu, dâu tây, cam, đu đủ, bưởi và khoai lang,… cần được tăng cường bổ sung đối với nhóm phụ nữ sau sinh, đặc biệt là sinh mổ. Bởi vitamin C tham gia vào quá trình sản xuất collagen trong cơ thể, hỗ trợ tái tạo mô sẹo, da mới và dây chằng. Ngoài ra Vitamin C còn hỗ trợ chống viêm, nhiễm trùng sau mổ.

Canxi

Chắc chắn rồi, bất kể bà mẹ nào sau sinh cũng cần phải bổ sung thêm canxi. Bởi canxi sẽ giúp bé có hệ xương phát triển tốt nhất, giúp bé được khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Trong thời gian cho con bú, sẽ có lượng lớn canxi của mẹ được chuyển sang cho bé, đồng thời trong suốt quá trình mang thai khung chậu của người mẹ chịu sự chèn ép khá lớn. Vì thế, để tăng sự dẻo dai cho xương cốt, hạn chế loãng xương, thoái hóa thì việc bổ sung canxi sẽ là cần thiết. Ngoài ra, chính canxi cũng góp phần hạn chế sự đông máu sau khi phẫu thuật.

Các thực phẩm giàu canxi bạn nên bổ sung như sữa, các sản phẩm từ sữa, đậu nành,… Bạn biết đấy, sữa không chỉ cung cấp canxi mà còn là nguồn cung cấp kẽm, rất quan trọng cho quá trình phục hồi của mẹ bầu, đồng thời còn là thực phẩm lợi sữa vô cùng tốt.

Chất xơ

Phụ nữ sau sinh mổ cũng cần được bổ sung nhiều chất xơ. Thực phẩm nhóm này đảm bảo sự lưu thông của nhu động ruột, giúp giảm táo bón. Việc khó tiêu hóa sẽ gây ứ trệ lưu thông trong đường ruột, hình thành áp lực lên cơ thành bụng và vết mổ, làm chậm quá trình liền sẹo, sự hồi phục sức khỏe của bà bầu bị ảnh hưởng.

Nguồn thực phẩm giàu chất xơ tốt nhất đó chính là rau xanh và trái cây. Một ly nước ép hoa quả rau củ là một gợi ý lý tưởng đấy, vừa giải nhiệt vừa cung cấp lượng lớn chất xơ, vitamin,…

Nước

Bạn cũng không nên quên việc bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể. Uống nhiều nước làm tăng quá trình lưu thông của nhu động ruột, giảm táo bón và giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước do cho con bú. Cần uống 2 lít nước mỗi ngày, trong đó bao gồm cả trà thảo dược, chất lỏng đa dạng như sữa ít béo, súp, nước dừa,…

Thực phẩm không nên ăn sau khi sinh mổ

Bên cạnh việc chú trọng bổ sung các dưỡng chất cho cơ thể, các bà mẹ cũng cần lưu ý tránh một số thực phẩm như: Thức ăn cay nóng; Tránh các đồ uống kích thích, đồ uống có ga, rượu, bia; Nước ép cam quýt chỉ dùng với lượng nhỏ và tăng dần liều lượng; Các thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ khó tiêu hóa; Tránh các thực phẩm lạnh, đồ chưa nấu chín; Tránh các thực phẩm sinh khí, gây đầy hơi như đậu đen, đậu xanh, dưa chua, hành tây, rau bắp cải, súp lơ trong 40 ngày đầu.

Vài lưu ý cực kì quan trọng cho phụ nữ sau sinh mổ

+ Nằm nghiêng thoải mái sẽ giúp giảm cảm giác đau hơn khi nằm ngửa.

+ Ngủ đủ giấc khoảng 8 – 9 tiếng mỗi ngày là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên không nên ngủ quá nhiều, bởi nước ối sẽ tích tụ ở tử cung. Bạn cũng nên kết hợp vận động nhẹ nhàng nhằm chức năng các cơ quan được trở lại bình thường.

+ Tránh lao động nặng trong 2 tháng đầu.

+ Theo dõi tình trạng đi vệ sinh của mẹ. Nếu quá 3 ngày chưa đi đại tiện thì bạn đã bị táo bón, còn nếu quá 12 tiếng sau sinh chưa đi tiểu được thì bị bí tiểu.

+ Đảm bảo vệ sinh cho phụ nữ sau sinh để tránh nhiễm khuẩn là vô cùng quan trọng. Lau đầu vú trước và sau khi cho con bú bằng gạc mềm thấm nước ấm.

+ Không nên quan hệ trong thời gian đầu sau đẻ vì có thể gây nhiễm khuẩn. Tốt nhất nên kiêng khoảng 5-6 tuần.